Vietravel hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, doanh thu từ hoạt động này trong Quý IV/2022 của doanh nghiệp đạt 1.128,8 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch đã đặt ra trong Quý IV/2022. Tính chung năm 2022, Vietravel đạt 3.809 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 06 lần so với kết quả đã đạt được trong năm 2021 và vượt kế hoạch năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua là 3.561 tỷ đồng.
Có thể thấy, chỉ số về doanh thu cả năm 2022 của Vietravel tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ, tuy nhiên các chỉ tiêu về chi phí không tăng hoặc giảm so với năm 2021. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2021, chi phí tài chính giảm còn 67% và chi phí bán hàng bằng 70%, cùng với các hoạt động đầu tư tài chính trong kỳ đã góp phần tạo ra kết quả lợi nhuận vượt ngoài mong đợi. Báo cáo tài chính Quý IV/2022 của Vietravel cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi tổng nợ phải trả trong năm 2022 giảm 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu Vietravel (Mã chứng khoán: VTR), gồm 17,3 triệu cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM. Ngành du lịch chỉ dần quay trở lại khi Chính phủ chính thức tuyên bố mở cửa du lịch Việt Nam vào ngày 15/3/2022 sau gần 02 năm liên tục bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Căn cứ kết quả báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, cổ phiếu VTR bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do âm vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên thứ sáu hàng tuần trên sàn UPCoM kể từ ngày 13/9/2022. Với kết quả kinh doanh đã đạt được trong năm 2022, nguyên nhân cổ phiếu VTR bị hạn chế giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán chắc chắn sẽ được khắc phục. Dự kiến nhà đầu tư có thể giao dịch hàng ngày trở lại trên sàn chứng khoán sau khi báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2022 của Vietravel được hoàn tất vào tháng 3 năm 2023.

THÁNG 1 DU LỊCH VIỆT NAM ĐÓN LƯỢNG KHÁCH 'KHỦNG'
Với hai kỳ nghỉ liên tiếp, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trong tháng 1 đều đạt mức cao.
Theo dữ liệu Tổng cục Du lịch công bố, trong tháng 1 Việt Nam đón lượng khách nội địa ước đạt 13 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 4,5 triệu lượt khách lưu trú. Đây là lượng khách nội địa cao nhất trong 5 năm trở lại, tính từ 2018 khi Tổng cục Du lịch cung cấp số liệu thống kê lượt khách từng tháng.
Khách quốc tế đạt gần 872.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022. Các thị trường lớn gồm Hàn Quốc (gần 259.000 lượt), Mỹ (gần 78.000), Thái Lan (gần 55.000), Australia (khoảng 44.000), Nhật Bản (khoảng 34.000). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường không cao nhất, với hơn 800.000 lượt, tiếp đến là đường bộ hơn 65.000 và đường biển khoảng 5.600.
Đây là lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi có Covid-19, tính từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, đối tượng khách này so với thời điểm trước dịch vẫn thấp. Tháng 1/2020, Việt Nam đón gần 2 triệu lượt khách quốc tế.
Mảng khách quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường chính từ Trung Quốc, Nga vẫn chưa trở lại như năm 2019. Trong thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 1 ghi nhận lượng khách Trung Quốc, Nga chỉ đạt gần 47.000 và 12.000 lượt, so với hơn 660.000 và 36.000 lượt cùng kỳ 2019.
Tổng thu từ du lịch tháng 1 đạt 46.000 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình tháng dự kiến của năm 2023 (54.000 tỷ đồng).

Nhận xét về tình hình du lịch dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Phó tổng giám đốc Vietravel, Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, cho biết du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính vẫn nằm ở thị trường trong nước. Bà Hoàng nhận định du lịch nội địa vẫn là thị trường kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng. Tần suất bay của các hãng đã tăng nhiều chuyến, hệ thống cung ứng trong nước phục hồi, có nhiều sản phẩm mới, lạ.
Bên cạnh đó, các thị trường khác cũng tồn tại nhiều bất ổn do tình hình chính trị, kinh tế suy thoái. Mục tiêu toàn ngành du lịch 2023 đón chỉ 8 triệu lượt khách quốc tế, bằng 45% so với trước dịch, doanh thu dự kiến 650.000 tỷ đồng.
"Nhìn chung, năm 2023 đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch nói chung", bà Hoàng nói.